BỘ MÔN NHA KHOA TRẺ EM

Giới thiệu Bộ môn:

Nha khoa trẻ em là một chuyên khoa quan trọng trong ngành Răng Hàm Mặt, tập trung vào sự phát triển răng miệng và hàm mặt ở trẻ em cũng như các vấn đề liên quan đến sức khỏe răng miệng mà trẻ có thể gặp phải. Mục tiêu chính của Nha khoa Trẻ em là tạo ra một nụ cười đẹp và khỏe mạnh cho trẻ em ngay từ khi còn nhỏ và duy trì nó suốt cuộc đời, góp phần vào sự tự tin và phát triển của trẻ.

Bộ môn Nha khoa trẻ em là một trong các bộ môn thuộc Khoa Răng Hàm Mặt của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Bộ môn được thành lập vào năm 2023, dựa trên nguyên lý học thuật trong chăm sóc, dự phòng và điều trị sức khỏe răng miệng toàn diện cho trẻ em, bao gồm cả những trẻ em có nhu cầu đặc biệt như trẻ có bệnh toàn thân, trẻ khuyết tật hoặc trẻ sơ sinh.

Nhiệm vụ của Bộ môn:

Bộ môn Nha khoa trẻ em phụ trách đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực bệnh học, chăm sóc, dự phòng và điều trị sức khỏe răng miệng toàn diện ở trẻ em. Bộ môn nhấn mạnh vào việc đào tạo cho người học không chỉ kiến thức và kỹ năng về dự phòng, chẩn đoán và điều trị các vấn đề răng hàm mặt ở trẻ em mà cả kỹ năng và thái độ giao tiếp, làm việc với trẻ em để tạo ra môi trường thoải mái, an toàn, chuyên nghiệp và hiệu quả trong suốt quá trình điều trị. Ngoài ra, giáo dục về sức khỏe răng miệng cũng là một nội dung đào tạo quan trọng của Bộ môn nhằm hướng dẫn trẻ em biết chăm sóc răng miệng đúng cách, giúp tạo ra những thói quen lành mạnh về chăm sóc răng miệng cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ, nhờ đó giữ cho răng và nướu khỏe mạnh suốt đời.

Các điểm nổi bật của Bộ môn:

Bộ môn Nha khoa trẻ em có đội ngũ giảng viên trẻ, giàu tâm huyết, có kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn sâu rộng, và có sự cam kết đối với công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bộ môn cũng rất tự hào về cơ sở vật chất tiện nghi và hiện đại, được thiết kế nhằm tối ưu hóa việc dạy và học lý thuyết cũng như thực hành tiền lâm sàng và mô phỏng lâm sàng cho sinh viên và học viên. Ngoài ra, được sự đồng ý của Ban Giám hiệu Nhà trường và Ban Chủ nhiệm Khoa Răng Hàm Mặt, Bộ môn liên kết với Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh để tạo điều kiện thực hành lâm sàng tốt nhất cho người học. Những điều này tạo nên một môi trường học tập đầy đủ và đa dạng, góp phần đem lại sự thành công và chất lượng trong việc đào tạo cũng như khuyến khích sự phát triển toàn diện của người học.

Định hướng trong giai đoạn 2025-2030, Bộ môn Nha khoa trẻ em sẽ thực hiện chuỗi đề tài nghiên cứu về tiềm năng của ứng dụng trên thiết bị di động trong việc cải thiện vệ sinh răng miệng ở trẻ em. Bộ môn nhận thấy trong nỗ lực ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin vào lĩnh vực y tế ở nước ta như hiện nay, song song với phát triển y tế di động tập trung vào những nhóm bệnh chính như các bệnh tim mạch, các thể ung thư, các bệnh hô hấp mạn tính và bệnh đái tháo đường thì tăng cường sức khỏe răng miệng cho người dân, đặc biệt là trẻ em, thông qua ứng dụng di động hỗ trợ cũng nên được quan tâm nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng cơ sở hạ tầng trong nước đồng thời phù hợp với xu hướng chăm sóc sức khỏe răng miệng toàn cầu. Đây là một trong những nghiên cứu tiên phong khai thác chủ đề này, qua đó khuyến khích và mở rộng mối quan tâm của cá nhân, cộng đồng và xã hội trong việc tiếp cận những tiến bộ công nghệ và đa dạng hóa danh sách ứng dụng liên quan đến chăm sóc sức khỏe răng miệng.

Về lĩnh vực hợp tác quốc tế, theo chủ trương chung của Khoa Răng Hàm Mặt, Bộ môn đẩy mạnh xây dựng các chương trình trao đổi sinh viên ngắn hạn với các Trường Đại học và Viện Nghiên cứu uy tín trên thế giới như Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan về chuyên khoa Nha khoa Trẻ em, cho phép người học có cơ hội trải nghiệm học tập và sinh hoạt ở nước ngoài, mở rộng tầm nhìn và phát triển kỹ năng quốc tế. Ngoài ra, Bộ môn thúc đẩy Khoa Răng Hàm Mặt trở thành thành viên của Hiệp hội Nha khoa Trẻ em ở các nước trong khu vực, từ đó mở ra các cơ hội trao đổi kinh nghiệm, hợp tác nghiên cứu và phát triển dự án với các tổ chức và cơ sở đào tạo ở ngoài nước cho cả giảng viên và sinh viên, học viên.

LĨNH VỰC NGHIÊN CỨU CỦA BỘ MÔN NHA KHOA TRẺ EM

  1. Tình trạng sức khỏe răng miệng ở trẻ em Việt Nam.
  2. Nhu cầu điều trị bệnh răng miệng ở trẻ em Việt Nam
  3. Sự tăng trưởng sọ – mặt – răng ở trẻ em Việt Nam.
  4. Ứng dụng các phương pháp mới, vật liệu mới trong dự phòng bệnh răng miệng ở trẻ em.
  5. Ứng dụng các phương pháp mới, vật liệu mới trong dự phòng bệnh răng miệng ở trẻ em.