Sức khỏe răng miệng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống. Một hàm răng khỏe mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc ăn nhai, tiêu hóa, phát âm, thẩm mỹ giúp bạn tự tin hơn trong giao tiếp. Tại Việt Nam, các vấn đề về răng miệng như sâu răng, viêm nướu, mất răng, tổn thương tiền ung thư miệng – hàm mặt và chấn thương hàm mặt vẫn rất phổ biến, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Do đó bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe răng miệng là một nhiệm vụ rất quan trọng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống nhân dân.
Theo kết quả điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc lần thứ 3 năm 2019 có hơn 90% dân số Việt Nam gặp phải các vấn đề về răng miệng, tỷ lệ mắc các bệnh răng miệng cao ở mọi lứa tuổi. Cụ thể, khoảng 86% trẻ em từ 6-8 tuổi bị sâu răng sữa, trung bình mỗi trẻ em có 6,21 răng bị sâu. Hơn 60% người trưởng thành gặp vấn đề về viêm nướu và viêm quanh răng. Có trên 79% người cao tuổi bị mất răng. Tỷ lệ sâu răng ở trẻ em và người trưởng thành đều ở mức cao, cho thấy nhu cầu cấp thiết trong việc chăm sóc răng miệng.
Nguyên nhân dẫn đến các vấn đề răng miệng do người dân còn thiếu nhận thức về chăm sóc răng miệng. Phần lớn người dân chưa có thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách dẫn đến tích tụ mảng bám và vi khuẩn gây hại cho răng. Mặt khác chế độ ăn uống không hợp lý, thói quen tiêu thụ nhiều đồ ngọt, nước uống có ga và thực phẩm chứa nhiều đường cũng làm tăng nguy cơ sâu răng. Việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ răng miệng còn hạn chế, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi, người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ răng miệng chất lượng.
Việc không chăm sóc răng miệng đúng cách có thể dẫn đến các bệnh răng miệng như sâu răng, viêm quanh răng và có thể dẫn đến mất răng, viêm nhiễm vùng răng hàm mặt. Các bệnh lý này nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân cũng như tăng gánh nặng chi phí điều trị.
Giải pháp tăng cường sức khỏe răng miệng cộng đồng
Hiện nay ngành Răng Hàm Mặt (RHM) đã và đang triển khai các hoạt động Đề án: “Nâng cao năng lực khám chữa bệnh RHM và dự phòng bệnh răng miệng cộng đồng giai đoạn 2021-2030” (Đề án 5628, Bộ Y tế). Mục tiêu giảm tỷ lệ sâu răng, viêm nướu ở trẻ em, giảm tỷ lệ mất răng ở người cao tuổi thông qua các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, tập huấn, khám và dự phòng bệnh răng miệng. Các nội dung chính của Đề án gồm có:
- Nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng
- Triển khai các chiến dịch truyền thông qua truyền hình, mạng xã hội, ứng dụng giáo dục công nghệ số đến các trường nhất là các trường mẫu giáo và Tiểu học để phổ biến kiến thức về vệ sinh răng miệng.
- Tổ chức các buổi hội thảo, lớp học hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng cho thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh, nhân viên chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
- Đưa nội dung chăm sóc răng miệng vào chương trình giáo dục phổ thông.
- Thay đổi thói quen chăm sóc răng miệng
- Hướng dẫn chải răng đúng cách ít nhất 2 lần/ngày với kem đánh răng có chứa fluoride.
- Khuyến khích sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng để loại bỏ mảng bám.
- Chọn lựa thức ăn, đồ uống tốt ăn cho răng và lợi (thực phẩm giàu chất xơ, giàu canxi và vitamin…). Giảm tiêu thụ đường, thực phẩm có tính axit cao để hạn chế sâu răng.
- Cải thiện hệ thống dịch vụ Răng Hàm Mặt
- Mở rộng các phòng khám Răng Hàm Mặt công lập và tư nhân, đặc biệt tại vùng nông thôn.
- Đưa dịch vụ khám răng định kỳ vào chương trình bảo hiểm y tế.
- Hỗ trợ chi phí điều trị răng miệng cho người có thu nhập thấp.
- Chính sách hỗ trợ từ chính phủ
- Tăng ngân sách cho các chương trình chăm sóc sức khỏe răng miệng.
- Phối hợp với các tổ chức quốc tế để triển khai các chiến dịch nha khoa cộng đồng.
- Ban hành các quy định về sản xuất thực phẩm ít đường để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
- Mô hình mới trong chăm sóc sức khỏe răng miệng cộng đồng tại Việt Nam
- Mô hình trường trạm: Đào tạo thí điểm nguồn nhân lực nha khoa dự phòng cho nhân viên y tế cơ sở có thể khám, phát hiện và dự phòng sâu răng cho học sinh tại địa phương.
- Mô hình Công – Tư: Hợp tác giữa các cơ sở y tế công lập với các cơ sở y tế tư nhân. Huy động nguồn lực từ các phòng khám Răng Hàm Mặt tư nhân thực hiện chương trình kiểm tra, chăm sóc răng miệng và điều trị ban đầu cho học sinh.
- Mô hình chăm sóc sức khỏe răng miệng cho người cao tuổi dựa trên bộ công cụ OHAT, cán bộ y tế tuyến cơ sở được đào tạo có thể nhận biết, phát hiện được các bệnh răng miệng thường gặp ở người cao tuổi và đưa ra lời khuyên tới người bệnh kịp thời can thiệp, điều trị các bệnh răng miệng.
- Truyền thông chăm sóc, dự phòng bệnh răng miệng tới người dân dựa trên công nghệ thông tin và nền tảng trí tuệ nhân tạo. Ví dụ như APP trên điện thoại phát hiện bệnh sâu răng, viêm nướu; giáo dục, chăm sóc sức khoẻ răng miệng qua video, clip; sử dụng các nền tảng xã hội thông dụng như Tiktok, Facebook, Youtube…
Kết luận
Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe răng miệng cộng đồng ở Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Sự nỗ lực từ nhiều phía bao gồm chính phủ, các tổ chức y tế, cộng đồng, trường học và mỗi các nhân sẽ giúp giảm tỷ lệ các bệnh răng miệng, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tăng cường sức khỏe răng miệng là chiến lực cực kỳ quan trọng và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương. Hãy bắt đầu từ những thói quen nhỏ như chải răng đúng cách, ăn uống hợp lý và khám răng định kỳ để bảo vệ sức khỏe răng miệng. Thông qua giáo dục, cải thiện dịch vụ và thay đổi thói quen, chúng ta có thể giảm thiểu các vấn đề về răng miệng và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân: “Răng miệng tốt, tinh thần khỏe”.
Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam