NGND.GS.BS. VÕ THẾ QUANG
(1924 – 1997)
Trưởng Bộ môn Răng Hàm Mặt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội
Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, Phó Hiệu trưởng Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ Thành phố Hồ Chí Minh
Viện trưởng Viện Răng Hàm Mặt Thành phố Hồ Chí Minh
NTTU – Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.02.2025, chúng tôi – thế hệ học trò thập niên 80 của Thầy NGND.GS.BS. Võ Thế Quang, vẫn bồi hồi xúc động khi cùng nhau nhắc đến Thầy với tất cả sự cảm kích và tri ân trân trọng nhất. Cho phép chúng tôi được giới thiệu đến quý độc giả, các bác sĩ và các sinh viên bài viết về một bậc tiền bối đáng kính NGND.GS.BS. Võ Thế Quang – Tài đức vẹn toàn, người đã từ Pháp trở về Việt Nam, yêu nước, cống hiến xây dựng và phát triển ngành Răng Hàm Mặt Việt Nam, với những thành tựu xuất sắc trong thời kỳ đầy khó khăn nhất.
Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Bác sĩ Võ Thế Quang
Một đời vì Sự nghiệp Đào tạo Răng Hàm Mặt và
Bảo vệ Sức khỏe Răng Miệng cho Nhân dân
Nhà báo Phạm Dân trong bài: “Thương nhớ Thầy thuốc, Nhà giáo Nhân dân Võ Thế Quang” đăng trên báo Cần Thơ ngày 28-02-1999 đã viết: “Giáo sư Võ Thế Quang là người có kiến thức rộng nhưng rất khiêm tốn, ít nói, sống đạm bạc, nhân nghĩa với bạn bè, với cán bộ cấp dưới, một nhà giáo tận tụy vì học trò, một chiến sĩ Cộng Sản với bầu nhiệt huyết luôn vì dân vì nước”.
GS. Hoàng Thị Thục, một Giáo sư lão thành trong ngành Răng Hàm Mặt (RHM), con gái cố nhà văn Hoàng Ngọc Phách đã nhận định: “Hiếm có Nhà giáo, Thầy thuốc nào như GS. Võ Thế Quang, cả đời công tư đều trọn vẹn”.
Hằng năm, trong không khí những ngày lễ lớn của dân tộc, trong không khí chào đón năm mới, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương Thành phố Hồ Chí Minh long trọng tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, xây dựng và phát triển của bệnh viện. Những dịp ấy, tôi không khỏi bồi hồi nhớ đến công ơn của những người đi trước. Sự lớn mạnh của ngành RHM và Bệnh viện RHM Trung Ương TP. Hồ Chí Minh đã có sự cống hiến hết sức lớn lao của các Lãnh đạo tiền nhiệm như GS. Nguyễn Văn Thủ, GS. Võ Thế Quang, GS. Lâm Ngọc Ấn. Đặc biệt với tôi, Nhà giáo Nhân dân Võ Thế Quang là một tấm gương sáng, một nhân cách và tài năng cùng những trí thức uyên bác, đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ Bác sĩ RHM ở Việt Nam. Là một học trò đã từng được gắn bó với Thầy trong những ngày khởi đầu sự đổi mới, phát triển ngành RHM, tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Thầy.
Toàn bộ chi tiết tiểu sử và sự nghiệp của Thầy Võ Thế Quang, tôi xin không nhắc lại. Tôi chỉ muốn nói lên những cảm xúc từ chính lòng mình: một học trò, một nhân viên, một cộng sự đã được Thầy tận tình dìu dắt, cổ vũ trên con đường y học, y đạo. Điều tôi đặc biệt khâm phục Thầy chính là sự dấn thân cho lý tưởng cách mạng, bằng kiến thức y khoa và cả nhân cách làm người.
Tôi xin nhắc lại một vài cột mốc lịch sử trong cuộc đời Thầy đã in đậm vào tâm trí tôi, đã để lại cho các thế hệ học trò sự ngưỡng mộ và kính trọng về tài năng và nhân cách của Thầy. Như chúng ta đã biết, sau khi thoát khỏi nhà tù thực dân Pháp, thầy Quang đã tìm cách sang Pháp, tiếp tục học Đại học Nha khoa. Mặc dù được bạn bè thương yêu, bạn thân giúp đỡ để có thể học tiếp cao học (lấy bằng Master), nhưng Thầy đã trở về tổ quốc, lên chiến khu Việt Bắc tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ. Vượt biên giới Trung-Việt, người thanh niên Võ Thế Quang theo chân Vệ quốc đoàn về nước và làm việc ở chiến khu Việt Bắc. Trong những năm đầu kháng chiến thật thiếu thốn nhưng cũng đáng tự hào ấy đã hình thành được phòng Nha đầu tiên ở chiến khu. Năm 1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác sĩ Võ Thế Quang về tiếp quản Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức), sau này thành lập Khoa Nha Bệnh viện Việt Đức và Bác sĩ là Trưởng khoa cho đến ngày vượt Trường Sơn vào Nam năm 1972.
Từ năm 1959, vừa là Bác sĩ điều trị ở Bệnh viện Phủ Doãn, Thầy vừa tham gia giảng dạy và là Giáo vụ Bộ môn Răng Hàm Mặt, Trường Đại học Y Hà Nội sau này là Phó Chủ nhiệm Bộ môn Răng Hàm Mặt và là Đảng ủy viên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Lẽ ra Thầy sẽ chọn lấy một cuộc sống bình yên bên gia đình, trong sự thuận lợi cho sự nghiệp y học, nhưng chiến trường miền Nam luôn thôi thúc Thầy trở về. Trong đoàn quân vượt Trường Sơn năm 1973, Thầy Võ Thế Quang đã có mặt trong cánh rừng miền Đông Nam Bộ, là Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Y tế cao cấp Miền Nam. Chính nơi đây, trong điều kiện khó khăn của cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, Thầy đã gầy dựng cơ sở đào tạo cho nhiều Y – Bác sĩ mà hiện nay những người học trò ấy đang đảm nhận những trọng trách quan trọng.
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Thầy Võ Thế Quang về tiếp quản Trường Đại học Nha Y khoa Sài Gòn (nay là Khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh), là Trưởng khoa kiêm Phó Hiệu trưởng của Trường cho đến năm 1995.
Ngày 17.5.1980, Viện Răng Hàm Mặt Việt Nam được thành lập. Thầy Võ Thế Quang được Bộ Y tế quyết định là Phó Viện Trưởng đặc trách công tác phòng bệnh. Đến năm 1984, sau khi GS. Nguyễn Văn Thủ mất, GS. Võ Thế Quang chính thức được Bộ Y tế bổ nhiệm là Viện Trưởng Viện RHM Việt Nam cho đến năm 1990. GS. Võ Thế Quang là Tổ trưởng Tổ chuyên viên về RHM của Bộ Y tế, đồng thời là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam và là Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ TP. Hồ Chí Minh thập niên 1980-1990.
Với những cống hiến to lớn ấy, Nhà giáo Nhân dân Giáo sư Võ Thế Quang đã được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương. Trong hơn 80 năm cuộc đời, đã có hơn 50 năm dành trọn thời gian để phục vụ cho dân, cho nước, cho sự nghiệp phát triển ngành RHM Việt Nam.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, GS. Võ Thế Quang với sự thông tuệ của mình đã đóng góp quan trọng cho việc đào tạo nhiều thế hệ Y – Bác sĩ Răng Hàm Mặt ở Việt Nam từ chiến khu Việt Bắc, đến chiến trường Nam Bộ, từ Đại học Y khoa Hà Nội đến Khoa RHM, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, từ chiến thắng đến hòa bình. Trong thư gửi các bác sĩ tân khoa năm 1992, Thầy đã viết “Trong thời buổi kinh tế thị trường, thời buổi mà một số người sống vì vật chất, thực dụng, Thầy lại nói với các em về phục vụ, nhân đạo, tình nghĩa, khoa học, chắc các em cho rằng Thầy đi ngược dòng thời cuộc chăng? Thật ra tiền tài, vật chất ai cũng rất cần nhưng khi đi vào đời, đi một quãng đời, các em sẽ nhận ra cái khó tìm hơn nữa, quí giá và cần thiết hơn nữa là lòng nhân đạo, tình người, tín nghĩa, khoa học…Ngay từ hôm nay, các em hãy xây dựng cho mình cuộc sống có đầy đủ giá trị vật chất và tinh thần…”. Nhân cách và tài năng cùng những trí thức uyên bác của Thầy đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ học trò trong ngành Răng Hàm Mặt, góp phần tạo nên một thế giới quan và nhân sinh quan khoc học y học cho thế hệ trẻ.
Hình ảnh con người khiêm tốn, giản dị hết lòng vì ngành, vì công việc còn in đậm trong trí nhớ của nhiều bạn bè, đồng nghiệp học trò. GS. Võ Thế Quang là ngọn cờ hiệu triệu sự đoàn kết, là người thầy mẫu mực xét trên các phương diện tư chất con người, trình độ kiến thức và phương pháp giảng dạy. Những người thầy như GS. Võ Thế Quang đã để lại cho các thầy, cô trên bục giảng bậc Đại học ngày nay một tấm gương tận tụy vì sinh viên cho tương lai.
Trong khoa học, Thầy Võ Thế Quang là người rất nghiêm khắc, kỹ tính, tận tụy, tài năng. Thầy đã để lại tài sản khoa học to lớn cho ngành, đó là: 20 cuốn sách đã xuất bản, trên 30 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước, nhiều bài viết giáo dục sức khỏe răng miệng phổ thông. Thầy là người có công đầu trong việc biên soạn thuật ngữ Răng Hàm Mặt làm cơ sở cho việc ra đời cho nhiều quyển thuật ngữ Răng Hàm Mặt sau này. Đối với tôi, được giao nhiệm vụ biên dịch quyển “Chăm sóc răng ban đầu”, “Kế hoạch chăm sóc răng miệng”, Thầy đã sữa bản thảo không dưới 20 lần. Mỗi lần góp ý như vậy tôi học rất nhiều về văn phong dịch thuật, ngữ văn Việt. Đó là nền tảng hết sức căn bản cho tôi trong kỹ năng viết báo khoa học sau này. Hơn thế nữa là tôi học ở Thầy là sự kỹ tính trong khoa học.
Trong công tác xây dựng, phát triển Viện và ngành RHM Việt Nam, GS. Võ Thế Quang là người đặt nền móng và phát triển chương trình phòng bệnh ở Việt Nam, ở các tỉnh thành phía Nam. Thầy là người khởi xướng, thúc đẩy và triển khai các chương trình can thiệp trong cộng đồng một cách có hiệu quả như chương trình Fluor hóa nước máy tại TP. Hồ Chí Minh, chương trình Nha học đường ở Việt Nam, chương trình Chăm sóc răng miệng ban đầu, chương trình ứng dụng nhựa cánh kiến phòng ngừa sâu răng, chương trình khử Fluor trong nguồn nước uống tại Phú Khánh (nay là khánh Hòa), …
Ngày nay, các thế hệ học trò của thầy khi ngồi lại đánh giá hiệu quả chương trình Fluor tại TP. HCM sau 30 năm với thành quả tỷ lệ sâu răng giảm từ 86,12% xuống còn 36,15%, sâu răng trẻ em ở trẻ dưới 12 tuổi từ 3,62 răng giảm xuống còn 1,82 răng …chắc hẳn phải hiểu rõ sự vất vả, tận tụy, tầm nhìn xa về chiến lược của Thầy khi đề xướng, thuyết phục để chương trình trở thành hiện thực. Điều đó đã được các nhà khoa học nước ngoài, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá và khẳng định. Chúng ta tự hào về Việt Nam, một trong những nước ở Đông Nam Á đã thực hiện thành công chương trình này.
Mỗi khi chúng tôi và các bạn sinh viên trẻ ngồi thảo luận cùng nhau chương trình Nha học đường ở Việt Nam, có mấy nội dung và hiệu quả thực hiện thế nào? Các bạn đồng nghiệp có thể chưa hiểu hết được lịch sử ra đời của nó và người có công lớn trong hoạch định, triển khai, đánh giá và hệ thống hóa các nội dung chương trình nha học đường trong giai đoạn khởi đầu (qua các kỳ Hội nghị Nha học đường toàn quốc) không ai khác đó là Thầy Võ Thế Quang. Hình ảnh của một Giáo sư đầu ngành mảnh khảnh, giản dị, đi công tác tuyến dưới trên chiếc xe cũ kỹ thời bao cấp, không đòi hỏi phục vụ cao sang, thức khuya, dậy sớm, thuyết phục vận động lãnh đạo trung ương, lãnh đạo địa phương thực hiện chương trình Nha học đường, đưa giáo dục nha khoa vào chính khóa, triển khai các nội dung chăm sóc răng ban đầu…thực sự làm xúc động và để lại dấu ấn không phai cho nhiều lãnh đạo và Nhân dân địa phương.
GS. Võ Thế Quang là người có công lớn xây dựng hệ thống tổ chức ngành Răng Hàm Mặt Việt Nam. Ban đầu là thuyết phục lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ban Tổ chức chính quyền (nay là Sở Nội vụ), Sở Y tế để Quyết định chức danh Trưởng khoa Răng Hàm Mặt đầu ngành các tỉnh, tạo lập chỉ đạo thống nhất hệ dự phòng và điều trị tại các tỉnh, thành. Đây là tư duy quản lý, quản trị tiên phong để tổ chức thực hiện nội dung chiến lược của ngành Răng Hàm Mặt tại địa phương một cách hiệu quả. Trên cơ sở đó sau này chúng tôi đã tham mưu để Thầy Lâm Ngọc Ấn, người kế nhiệm Thầy Võ Thế Quang tổ chức giao ban ngành Răng Hàm Mặt, tổng kết công tác nha học đường hằng năm. Hội nghị truyền thống này lan tỏa đến Viện Răng Hàm Mặt Hà Nội và cho đến ngày nay nó trở thành hội nghị tổng kết quốc gia thường niên. Thầy xây dựng chương trình đào tạo nhân lực, đổi mới chương trình đào tạo nhân lực gắn với sử dụng cán bộ nhằm phục vụ cho nội dung chiến lược của ngành. Đây là kỹ năng lãnh đạo rất có hiệu quả.
Lòng nhân đức như dòng máu thấm trong huyết quản từ thời niên thiếu đã trở thành y đức nhuần nhuyễn của người Thầy thuốc đáng kính. Một gia đình thầy thuốc đáng kính, một gia đình hạnh phúc trọn vẹn. Người bạn đời của Thầy Võ Thế Quang, Giáo sư Hoàng Thị Lũy, Thầy thuốc Nhân dân, người vợ thủy chung, người phụ nữ tài năng, đức độ. Thật hiếm có trong gia đình nào mà có cả vợ, cả chồng đều là tấm gương sáng cho thế hệ Bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt và chuyên khoa Mắt noi theo. Một gia đình bình dị có đôi vợ chồng rất “Nhân dân” nhưng đạt cái to lớn nhất từ trong “Nhân dân”. Đó là Nhà giáo Nhân dân Võ Thế Quang và Thầy thuốc Nhân dân Hoàng Thị Lũy.
Từ tư tưởng, đạo đức, phong cách của Thầy Võ Thế Quang, tôi học từ Thầy sự giản dị, khiêm tốn, điềm tỉnh, hiền hòa, không màng danh lợi; chữ nhẫn nơi Thầy đạt đến đỉnh cao của triết lý. Tôi đã học từ Thầy đức tính siêng năng, ham học hỏi, tìm tòi cái mới để thay đổi và tư tưởng, phong cách này luôn dẫn dắt tôi và nhiều thế hệ học trò tận tận hiến trong dự nghiệp của ngành Răng Hàm Mặt Việt nam, các tỉnh thành phía Nam.
Những năm tháng rồi sẽ đi qua, nhưng trong mỗi chúng ta đều đọng lại một hình ảnh không thể nào quên về một con người vượt qua những tầm thường vụn vặt, bỏ qua vinh danh, để sống với tâm huyết và đam mê Y học.
Chúng tôi biết rằng không thể nào và khó bao giờ viết về “những đại thụ của ngành Răng Hàm Mặt Việt Nam” một cách đầy đủ do tầm cao của các Thầy vượt quá sự hiểu biết của các thế hệ học trò, thế nhưng chúng tôi biết một điều là chúng tôi sẽ không thể nào quên lời dặn dò của Thầy trước khi mất: “Công danh là phù du, ở đời chỉ còn lại tri thức và nghĩa tình”. Một lời dạy khắc sâu sức mạnh đạo đức và hành động.
TTND.TS.BS.LG. Ngô Đồng Khanh, TTƯT.PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Hồng