Vừa qua, Khoa Răng Hàm Mặt Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã tổ chức buổi tập huấn chăm sóc sức khỏe răng miệng cho các sinh viên năm nhất, và tiếp theo đó, sinh viên đã tham gia thực hiện hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe răng miệng tại một trường tiểu học. Đây là hoạt động khởi đầu cho Dự án Giáo dục Răng Hàm Mặt dựa trên cộng đồng – mô hình đào tạo tích hợp giữa học tập chuyên môn và phục vụ cộng đồng (Service learning), được triển khai từ năm nhất và xuyên suốt 6 năm học.
Nhằm sớm giáo dục sinh viên năng lực chuyên môn song song với tinh thần trách nhiệm xã hội thông qua các hoạt động chuyên môn gắn kết với cộng đồng ngay từ năm thứ nhất, trong tháng 3 năm 2025, Khoa Răng Hàm Mặt Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã tổ chức buổi tập huấn chuyên đề về chăm sóc sức khỏe răng miệng cho hơn 80 sinh viên Răng Hàm Mặt năm nhất khóa tuyển sinh 2024. Sự kiện diễn ra tại hội trường, với sự tham gia hướng dẫn của các giảng viên giàu kinh nghiệm gồm TS.BSCKII Nguyễn Đức Huệ, TS.BS. Bùi Ngọc Huyền Trang và Thầy thuốc Nhân dân TS.BSCKII Nguyễn Văn Đẩu.
Kiến thức nền tảng – Bước đầu cho hành trình trở thành Bác sĩ Răng Hàm Mặt
Buổi tập huấn tập trung vào chủ đề “Phương pháp chải răng đúng cách để phòng ngừa sâu răng và bệnh nha chu”. Đây là một trong những kỹ năng cơ bản nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sinh viên ngành Răng Hàm Mặt trong việc hiểu, thực hành và sau này hướng dẫn lại cho người bệnh và cộng đồng.
Thông qua bài giảng sinh động với các nội dung như lý do cần phải chải răng đúng cách, các kỹ thuật chải răng hiệu quả, thời điểm và số lần chải răng hợp lý mỗi ngày. Đặc biệt, buổi tập huấn sử dụng nhiều giáo cụ trực quan như mẫu hàm, bàn chải, gương cầm tay, …Sinh viên không chỉ tiếp thu lý thuyết mà còn được trực tiếp thực hành và tương tác với giáo viên trong suốt buổi tập huấn, tạo nên môi trường học tập tích cực, trải nghiệm thực tế và tăng cường sự tự tin trong giao tiếp chuyên môn.
Hình 1: Mẫu hàm và bàn chải được sử dụng trong buổi hướng dẫn thực hành chải răng
Dạy thử – Đánh giá – Phát triển năng lực truyền đạt
Điểm nhấn đặc biệt trong buổi học là phần “dạy thử – tập huấn thử” của các sinh viên. Một số sinh viên được mời lên thực hành hướng dẫn lại phương pháp chải răng cho cả lớp. Các thầy cô đã sử dụng bảng kiểm đánh giá với các tiêu chí: nội dung truyền đạt, cách sử dụng giáo cụ, kỹ năng giao tiếp và khả năng tạo sự hứng thú cho người học. Đây không chỉ là buổi tập huấn mà còn là bước rèn luyện kỹ năng truyền đạt kiến thức – một năng lực quan trọng trong hành trình trở thành Bác sĩ Răng Hàm Mặt.
Trong không khí vui vẻ của lớp học, sự hướng dẫn nhiệt tình của các thầy cô về các nội dung chăm sóc răng miệng cùng với các giáo cụ trực quan đã tạo sự thu hút sinh viên tham gia một cách chủ động và hào hứng. Về phía sinh viên, các em đã thể hiện tinh thần học tập nghiêm túc và trao đổi với các thầy cô về các nội dung thực tiễn như tầm quan trọng của việc chải răng, chải răng như thế nào cho sạch và hiệu quả, nội dung truyền thông được xây dựng sao cho phù hợp với lứa tuổi tiểu học.
Hình 2: Sinh viên tham gia dạy thử bài phương pháp chải răng tại lớp học
Service Learning – Học tập dựa trên phục vụ cộng đồng
Sau buổi tập huấn, trong tháng 4 năm 2025, sinh viên được chia thành các nhóm nhỏ và tham gia nhiều buổi hoạt động hướng dẫn chăm sóc sức khỏe răng miệng tại Trường Tiểu học Anh Việt Mỹ, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh. Các em đã trực tiếp hướng dẫn học sinh tiểu học cách chải răng đúng, lựa chọn thực phẩm tốt cho răng miệng, đồng thời tổ chức các trò chơi tương tác để kiểm tra kiến thức và tạo sự hứng thú cho học sinh. Nhiều học sinh tỏ ra hào hứng, đặt câu hỏi và tích cực tham gia các trò chơi. Điều này cho thấy hiệu quả rõ rệt của phương pháp truyền đạt kiến thức thông qua trải nghiệm thực tiễn – một trong những mục tiêu trọng tâm của mô hình học tập dựa trên phục vụ cộng đồng (Service learning). Sự chuẩn bị chu đáo, tinh thần trách nhiệm của sinh viên và sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị phối hợp đã góp phần tạo nên thành công cho chương trình.
Đây là những hoạt động mở đầu cho Dự án Giáo dục Răng Hàm Mặt dựa trên cộng đồng – với nhiều hoạt động sẽ được tiếp tục triển khai xuyên suốt 6 năm học của sinh viên tại Khoa Răng Hàm Mặt Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Mô hình giáo dục này không chỉ giúp sinh viên phát triển kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp mà còn nuôi dưỡng tinh thần phục vụ, trách nhiệm xã hội ngay từ những năm đầu tiên của hành trình trở thành Bác sĩ Răng Hàm Mặt.
Hình 3: Sinh viên hướng dẫn phương pháp chải răng cho các em học sinh
Khoa Răng Hàm Mặt
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành